8 CÁCH VIẾT MỞ BÀI
Chúng ta đều biết phần mở bài rất quan trọng. Hôm nay, mình giới thiệu với mọi người 8 cách mở bài đơn giản nhưng hiệu quả.
1. Giới thiệu vào vấn đề chính của bài
Ví dụ:
Nhiều người muốn viết nhưng không biết mở bài như thế nào cho hấp dẫn. Điều đó khiến họ mất nhiều thời gian hoặc chán nản mà từ bỏ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho bạn 8 cách mở bài đơn giản mà hiệu quả để ai cũng có thể viết được.
2. Đưa ra số liệu để tăng độ tin cậy
Ví dụ:
Theo Tổng cục thống kê, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm trước. Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhiều người bắt đầu tìm kiếm các công việc tự do linh hoạt về thời gian, địa điểm làm việc hơn trước.
3. Một trích dẫn
Ví dụ:
Chính trị gia Roy Bennett đã từng nói: “Điều tuyệt vời sẽ xảy ra với những ai không ngừng tin tưởng, cố gắng, học hỏi và biết ơn.” Sự nỗ lực hết mình sẽ mang tới quả ngọt, với người viết cũng vậy.
4. Kể một câu chuyện của mình hoặc người khác
Ví dụ:
Năm lớp 12, tôi từng tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ trở thành người viết. Tôi mang mãi định kiến “cơm áo không đùa với khách thơ” mà dẹp bỏ những mộng mơ cùng câu chữ. Mãi cho tới thời gian nghỉ dịch tôi mới viết trở lại. Nhờ đó mà tôi lần nữa được sống với ước mơ viết lách.
5. Đưa ra một câu hỏi
Ví dụ:
Bạn có thắc mắc vì sao nhiều người không giỏi Văn nhưng vẫn kiếm được tiền nhờ viết không? Có một sự thật là rất nhiều người viết hiện nay không học tốt Văn khi còn trên ghế nhà trường. Bài viết này sẽ giúp bạn giải mã câu hỏi ấy.
6. Kích thích suy nghĩ của độc giả
Ví dụ:
Thử tưởng tượng năng lượng của bạn giống như một cục pin. Khi pin đầy, bạn phấn chấn viết bài. Khi pin cạn, bạn vớt vát mãi không được câu chữ nào ưng ý. Việc cạn kiệt năng lượng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như là tâm trạng tụt dốc, không thể sáng tạo, cảm thấy khó viết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khắc phục tình trạng này bằng những cách sẽ được trình bày trong bài.
7. Dùng hình ảnh so sánh, ẩn dụ
Ví dụ:
Viết lách cũng giống như một trái sầu riêng. Người hợp thấy thơm ngon, người không hợp chê khó nuốt. Ngay cả với người thích nó thì muốn ăn ruột sầu riêng cũng phải tách cho được lớp vỏ gai xù xì, nhọn hoắt. Nó giống như người viết nào cũng cần phải rèn giũa qua nhiều khó khăn mới đạt được thành quả trong nghề viết.
8. Đưa ra một quan điểm khác với thông thường
Ví dụ:
Nhiều người nghĩ rằng phải học giỏi Văn hoặc viết tốt mới có thể bắt đầu theo đuổi con đường viết lách. Vì vậy nên họ chọn tránh né thay cho thực hiện. Điều ấy không đúng. Bạn vẫn có thể viết ngay cả khi chưa từng học tốt Văn. Bí kíp nằm ở 5 cách hiệu quả được đưa ra trong bài.
Bạn thường áp dụng cách mở bài như thế nào trong các bài viết của mình? Đưa ra một chủ đề và viết đoạn mở đầu theo 8 cách đã được gợi ý.
No Comments